Tải sách Triệu Phú Khu Ổ Chuột
Tác giả : Vikas Swarup
Tải sách Miễn Phí
Nội dung sách Triệu Phú Khu Ổ Chuột
Triệu phú khu ổ chuột từ đầu đến cuối trung thành với mạch tự sự ngôi thứ nhất, với cách sắp xếp đảo chiều thời gian để phù hợp với mạch kết nối là 12 câu hỏi của trò chơi. Câu chuyện không có tính trò chơi, nó chỉ mượn hình thức trò chơi để diễn tả những điều rất đời, cũng như nó vay mượn một câu chuyện có thực về người chiến thắng một triệu rupi trong lịch sử Ấn Độ để nói về một câu chuyện còn thực hơn cả sự thực. Mỗi trải nghiệm trong cuộc sống của Thomas là lời giải cho một câu hỏi trong cuộc chơi.
Trong chuỗi hồi tưởng ấy, người đọc bắt gặp những hình ảnh trẻ thơ thiên thần xuất thân từ bùn lầy của xã hội: Cậu bé Ian – con trai bất hạnh của mục sư Timothy, cô bé Gudya bị chính cha mình lợi dụng, Salim với ước mơ trở thành một diễn viên nổi tiếng, đã phải đối mặt với cú sốc lớn nhất đời mình khi bị thần tượng đồng tính luyến ái giở trò trong rạp chiếu phim… Những số phận ấy bị vùi đi trong lớp bụi của lầm than, trong váng dầu nhơ bẩn của xã hội, mà ở đó: kẻ có tiền là người làm chủ vận mệnh. Tất cả dựng nên một góc nhìn xã hội vừa bi đát, vừa hài hước, vừa hiển nhiên, vừa căm phẫn và chua chát đến cùng cực.
Mỗi chương truyện là một cuộc phiêu lưu, bằng cách kể nhẩn nha, chi tiết, ít bày tỏ xúc cảm trực tiếp, Thomas chậm rãi tua lại cuốn băng của cuộc đời mình để rồi viết lên bài ca của nỗi thống khổ và lòng nhân ái. Cái gọi là đồng xu may mắn thực ra cả 2 mặt đều ngửa, cái gọi là chớp lấy may mắn thực ra đều do con người chủ đích tạo nên, cái gọi là lòng nhân ái thực sự ẩn sâu trong những cử chỉ cao đẹp nhất giữa người với người, cho dù, họ là những người tồn tại bất hợp pháp trong cuộc đời mình. Hình ảnh Thomas đấu tranh đến phút cuối cho mạng sống của Shankar đang bị bệnh dại hành hạ, những câu nói trôi chảy nhất trong cuộc đời của một hoàng tử bị bỏ quên là về chính người mẹ – bà hoàng đã cố tình quên đi sự tồn tại của cậu; Thomas, người không ngớt bị ám ảnh phải kiếm bằng mọi giá số tiền 400.000 rupi lại dễ dàng cho một người không quen toàn bộ số tiền ấy để ông ta mua thuốc cho con trai bị bệnh dại; Thomas, con người sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình để trả thù cho người yêu bị Prem Kumar dày vò, cũng vô tư như khi anh từng nhiều lần quên mình vì những người cùng cảnh ngộ khác.
Một anh bồi bàn ở dưới đáy xã hội, không gia đình, không mơ ước, liệu có thể trở thành triệu phú? Cuộc đời có tồn tại may mắn? Điều gì sẽ chiến thắng sau cùng: quyền lực hay lòng nhân ái? Triệu phú khu ổ chuột sẽ giải đáp tất cả câu hỏi đó của bạn cũng như nó từng làm với hàng triệu độc giả trên thế giới, lấy đi nước mắt của họ và mang lại cho họ niềm tin vào cuộc đời. Vì Vikas Swarup đâu chỉ viết bằng ngôn ngữ Ấn Độ, ông đã viết chuyện đời Thomas bằng thứ tiếng của chung của loài người.
GÁNH NẶNG CỦA MỘT LINH MỤC
Nếu đã có lần đến Delhi bằng tàu hỏa, chắc hẳn bạn đã từng ghé thăm Paharganj. Rất có thể bạn đã đến cái ga tàu hỏa Paharganj bụi bặm và ồn ào đó. Bạn đã ra khỏi nhà ga, gần như chắc chắn đã rẽ trái về phía trung tâm Connaught Place, đi vòng qua khu chợ đông đúc với những nhà nghỉ hạ giá và gái mại dâm rẻ tiền dành cho du khách. Nhưng nếu đi về phía bên phải, qua bệnh viện Mother Dairy và J.J. Women, bạn sẽ nhìn thấy một tòa nhà màu đỏ có cây thánh giá lớn màu trắng. Đó là nhà thờ St Mary. Đó là nơi tôi đã sinh ra đúng vào ngày Giáng sinh cách đây mười tám năm. Hay nói chính xác hơn, đó là nơi tôi bị bỏ lại trong cái đêm đông giá buốt của ngày 25 tháng Mười hai. Bị bỏ lại trong cái thùng lớn mà các bà sơ đặt ở đó để quyên quần áo cũ. Cho đến nay tôi vẫn không biết ai đã bỏ tôi vào đó và tại sao người ấy lại làm thế. Sự nghi ngờ luôn hướng về phía khoa Sản của bệnh viện J.J. Có lẽ tôi đã được sinh ra tại đó và mẹ tôi, vì những lý do chỉ bà mới biết, đã buộc phải bỏ rơi tôi.
Trong mơ, tôi thường nhìn thấy cảnh này. Một phụ nữ trẻ, cao ráo và duyên dáng, quấn một tấm sari trắng, rời bệnh viện sau nửa đêm với một đứa bé trên tay. Gió rít. Mái tóc đen dài bay lòa xòa khắp mặt người phụ nữ ấy, che khuất những đường nét. Lá xào xạc bên chân người ấy. Bụi bay khắp nơi. Chớp lóe sáng. Người phụ nữ bước những bước nặng nề về phía nhà thờ, ôm ghì đứa bé vào ngực. Người ấy đi đến trước cửa nhà thờ, dùng cái vòng sắt để gõ cửa. Nhưng gió thổi mạnh đến nỗi dìm cả tiếng gõ. Người ấy không còn thời gian. Nước mắt rơi lã chã, người ấy phủ lên mặt đứa bé những nụ hôn. Rồi cô đặt nó vào trong thùng, sắp xếp đống quần áo cũ để đứa bé nằm đó được thoải mái. Cô nhìn đứa bé lần cuối, ngoảnh mặt đi và sau đó, chạy khỏi ống kính máy quay, biến mất trong đêm tối…
Các bà sơ ở nhà thờ St Mary điều hành một trung tâm dành cho trẻ mồ côi kiêm dịch vụ cho trẻ làm con nuôi, và tôi được xếp vào danh sách chờ được nhận nuôi cùng một nhóm trẻ mồ côi khác. Tất cả những đứa trẻ khác đều được người ta nhận làm con nuôi, còn tôi thì chẳng có ai. Một cặp bố mẹ nuôi tương lai đến gặp tôi và đưa mắt nhìn nhau. Họ lắc đầu một cách mơ hồ rồi chuyển sang chiếc nôi khác. Tôi không biết tại sao. Có lẽ tôi đen quá. Xấu xí quá. Quấy quá. Có lẽ tôi không có nụ cười ngây thơ, hoặc tôi ọ ẹ quá nhiều. Vậy nên trong hai năm tôi vẫn ở trong trung tâm dành cho trẻ mồ côi. Thật kỳ cục, các sơ không buồn đặt cho tôi một cái tên. Tôi chỉ được gọi là Đứa bé – đứa bé không ai muốn.
Cuối cùng tôi cũng được bà Philomena Thomas và chồng bà là Dominic Thomas nhận làm con nuôi. Quê gốc ở Nagercoil bang Tamil Nadu, hiện họ sống tại Delhi. Bà Thomas làm công việc quét dọn ở nhà thờ St Joseph còn chồng bà là người làm vườn. Vì họ đã bốn mươi tuổi rồi mà vẫn chưa có con nên Cha Timothy Francis, linh mục của giáo sứ, thuyết phục họ tính chuyện nhận con nuôi để lấp đầy khoảng trống trong cuộc đời. Thậm chí Cha còn chỉ họ tới trung tâm dành cho trẻ mồ côi của nhà thờ St Mary. Ông Thomas chắc hẳn chỉ nhìn tôi một cái rồi chuyển ngay sang đứa trẻ khác, nhưng bà Philomena Thomas đã chọn tôi ngay khi nhìn thấy tôi. Tôi là sự tương xứng hoàn hảo đối với nước da ngăm đen của bà ấy!
Ông bà Thomas mất hai tháng để hoàn thành các thủ tục giấy tờ nhận tôi làm con nuôi, nhưng chỉ ba ngày sau khi rước tôi về nhà và thậm chí trước khi tôi được đặt tên thánh, ông Thomas phát hiện ra rằng khoảng trống trong cuộc đời vợ ông đã được lấp đầy rồi. Được lấp đầy không phải nhờ tôi, mà nhờ quý ông theo đạo Hồi tên là Mastan Sheikh, một người thợ địa phương chuyên may đồ nữ, đặc biệt là váy ngắn. Nghe đồn bà Philomena Thomas đã bỏ rơi ông chồng già và đứa trẻ mới được nhận làm con nuôi để cùng ông thợ may trốn tới Bhopal. Cho đến giờ không ai biết bà ấy ở đâu.
Phát hiện ra chuyện, ông Thomas nổi giận đùng đùng. Ông kéo cái nôi có tôi nằm trong tới nhà ông linh mục rồi bỏ tôi ở đó. “Thưa Cha, đứa bé này chính là nguyên nhân gây ra mọi rắc rối trong cuộc sống của tôi. Cha đã ép tôi nhận nó làm con nuôi, vậy nên giờ Cha muốn làm gì với nó thì làm.” Và Cha Timothy chưa kịp nói “Amen” thì Dominic Thomas đã bước ra khỏi nhà thờ. Người ta nhìn thấy ông ấy lần cuối cùng khi ông đang mua vé tàu hỏa đến Bhopal với một khẩu súng ngắn trong tay. Vậy nên dù muốn hay không, tôi cũng thuộc trách nhiệm của Cha Timothy. Cha cho tôi thức ăn, cho tôi chỗ trú ngụ và cho tôi một cái tên: Joseph Michael Thomas. Không có lễ rửa tội. Không có nghi thức linh mục nhúng đầu tôi vào bình nước thánh. Không có nghi thức rảy nước thánh. Không có chiếc khăn trắng nào được che trên người tôi. Không có ngọn nến nào được thắp lên. Nhưng tôi đã trở thành Joseph Michael Thomas. Trong sáu ngày.
Xin cảm ơn bạn đã đọc hết bài
Leave a Comment