Các Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp KIM DUNG PDF/Ebook

Các Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp KIM DUNG PDF/Ebook

Các Ẩn Số Chính Trị Trong Tiểu Thuyết Võ Hiệp KIM DUNG

Tác giả : Nguyễn Ngọc Huy

Tải sách Miễn Phí

epub mobipdf

Nội dung sách 

III-NHƠN VẬT TƯỢNG TRƯNG CHO CÁC NƯỚC TÂY PHƯƠNG :

TÂY ĐỘC, ÂU DƯƠNG CÔNG TỬ, DUƠNG QUÁ

Trong khi Đông Tà là một nhơn vật chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa và tượng trưng cho nước Nhựt thì Tây Độc, Âu Dương Công Tử và Dương Quá lại là những nhơn vật hoàn toàn xa lạ với nền văn hoá này và có thể xem như là những kẻ tượng trưng cho các nước Tây Phương, với Tây Độc và Âu Dương Công Tử tiêu biểu riêng cho các nước Âu Châu và Dương Quá tiêu biểu riêng cho nước Mỹ.

A. TÂY ĐỘC Và ÂU DUƠNG CÔNG TỬ ,

TIÊU BIỂU CHO CÁC NƯỚC TÂY PHUƠNG NÓI CHUNG

Và CÁC NƯỚC ÂU CHÂU NÓI RIÊNG.

1. Các dấu hiệu vật chất cho thấy rằng Tây Độc và Âu Dương Công Tử tượng trưng cho các nước Âu Châu. Về mặt vị trí địa lý, các nước Âu Châu vốn ở phía tây Trung Quốc. Do đó, các nước mà nhơn dân có nguồn gốc chủng tộc và văn hóa ở Âu Châu được người Trung Hoa và các dân tộc chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa gọi chung là các nước Tây Phương.

Nhơn vật mang ngoại hiệu Tây Độc được xem là Bạch Đà Sơn Chủ, tức là chúa núi Bạch Đà, mà chữ bạch trong Hán văn lại có nghĩa là màu trắng. Mặt khác, ông ta cũng như Âu Dương Công Tử thường mặc áo trắng, các nô tỳ của họ cũng được trang phục với sắc trắng. Võ khí của Tây Độc là cây đàn tranh đúc bằng thép. Về phần Âu Dương Công Tử thì võ khí là một cây quạt bằng sắt. Theo vũ trụ quan của người Trung Hoa thì màu trắng thuộc hành kim và liên hệ đến phía tây. Việc chú cháu Tây Độc ở Bạch Đà Sơn, thường mặc áo trắng và dùng sắc trắng đề trang phục cho nô tỳ mình, đồng thời dùng một võ khí bằng thép hay sắt tức là chất thuộc kim loại, xác nhận vị tri của các nước Âu Châu ở phía Tây Trung Quốc. Ta lại có thể nhận thẩy rằng chú cháu Tây Độc họ Âu Dương, và trong danh hiệu của họ này có chữ ÂU dùng để ám chỉ Âu Châu.

2. Nếp sống của Tây Độc và Âu Dương Công Tử biểu lộ của văn hóa Âu Châu theo sự nhận xét của người Trung Hoa.

Trái với nếp sống của Trung Thần Thông và Đông Tà là một nếp sống đạo đức và chịu ảnh hưởng của Đạo Giáo nên hướng về sự thanh tĩnh vô vi, nếp sống của Tây Độc và của Âu Dương Công Tử là một nếp sống hướng về sự hưởng thụ vật chất và thiếu hẳn yếu tố đạo đức. Riêng mối liên hệ giữa Tây Độc với Âu Dương Công Tử đã là một biểu tượng của sự phản đạo đức. Kim Dung đã cho biết rằng Tây Độc vì thông dâm với chị dâu mà ngầm sát hại anh ruột mình, và Âu Dương Công Tử trên danh nghĩa là cháu gọi ông bằng chú, nhưng thật sự lại chính là con ruột của ông. Căn cứ của Tây Độc ở Bạch Đà Sơn có nhiều gái đẹp thuộc nhiều chủng tộc khác nhau. Họ được tập luyện để biết múa hát, và ngoài việc phục vụ cho thú nhục dục của chủ, họ còn được dùng làm một dụng cụ cho cuộc tranh đấu để giành địa vị bá chủ võ lâm mà Tây Độc đeo đuổi. Âu Dương Công Tử lại còn dâm dật hơn Tây Độc . Ngoài việc mua vui với các nữ tỳ đã có, ông còn đi bắt cóc thêm con gái đẹp nhà lành để thỏa mãn thú tánh. Qua tâm tánh trên đây của Tây Độc và Âu Dương Công Tử, Kim Dung đã cho thấy quan niệm của những người Trung Hoa theo truyền thống Đông Phương. Trong con mắt của những người này, đó là một nền văn hóa đặt nền tảng trên sự tự do cá nhơn và thiên về sự hưởng thụ vật chất nên có tánh cách phóng túng và đồi trụy.

Để có phương tiện ăn xài và thực hiện các kế hoạch của mình, Tây Độc đã dùng lối giết người đoạt vật để thâu thập tiền của. Căn cứ của ông ở Bạch Đà Sơn chứa nhiều vàng bạc và ngọc ngà châu báu. Ở đây, ta cần phải nhận thấy chỗ khác nhau giữa Tây Độc với Đông Tà: các bảo vật của Tây Độc toàn là loại bảo vật trân quí về mặt vật chất, trong khi Đông Tà, ngoài các bảo vật loại này, lại còn có những bảo vật trân quí về mặt tinh thần như các bức tranh đẹp, các sách hay v.v. . . Điều này không có nghĩa là các nước Tây Phương không biết thưởng thức hay không bảo trọng các bảo vật trân quí về mặt tinh thần, vì thật sự các nước ấy không thiếu các loại bảo vật đó và cũng rất trọng nó. Bởi đó, khi mô tả tài sản của Tây Độc, Kim Dung chỉ muốn nhấn mạnh trên tinh thần của người Tây Phương thiên về các quyền lợi vật chất chớ không phải đề cao đời sồng tinh thần như người các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.

3. Con rắn, biểu tượng cho nền văn hóa Tày Phương phát xuất từ Âu Châu.

a. Sự liên hệ giữa tài nghệ của Tây Độc với con rắn.

Về mặt khả năng, tài nghệ của Tây Độc có nhiều mối liên hệ với rắn. Họ Âu Dương ở Bạch Đà Sơn vốn chuyên nuôi độc xà ác mãng. Mặt khác, sở dĩ Tây Độc có một nội công thâm hậu là vì lúc trẻ, anh em ông đã may mắn được uống huyết và ăn thịt con Bạch Long Xà là một loại rắn thần hiếm có. Sau đó, họ đã lượm được bộ NGŨ ĐỘC KỲ KINH và dựa vào đó mà luyện những công phu lợi hại. Tây Độc chuyên sử dụng nọc độc của loài rắn. Với môn Độc Xà Thần Công ông có thể cho nọc độc của mười con rắn rút vào cơ thể của ông rồi dồn vào đầu mười ngón tay. Luyện được môn này rồi thì chỉ cần phát ra sức gió của ngón tay cũng đủ làm cho kẻ địch bị thương, và nếu đầu ngón tay xỉa trúng vào kẻ địch thì kẻ địch còn bị nguy hiểm hơn là bị rắn độc cắn. Trong cây đàn tranh mà Tây Độc dùng làm võ khí, có đặt hai con rắn giả nanh sắc bén được tẩm luyện trong nọc rắn độc để ngầm hại địch thủ một cách bất ngờ. Ngoài ra, Tây Độc còn một cây xà trượng có cái nanh thép sắc bén như cái nanh trong cây đàn tranh, đồng thời có hai con rắn độc quấn vào và thay phiên nhau, hễ một con bò lên thì một con bò xuống. Tây Độc cũng có luyện tập rắn để lập thành xà trận, và dùng một số nam nô đề điều khiển bầy rắn của mình. Sau hết, để đối phó với các tay cao thủ võ lâm lợi hại, ông đã ngấm sáng tạo một môn võ đặc biệt là Kim Xà Quyền.

Theo truyền thuyết các nước Tây Phương, con rồng không phải là một thần vật được tôn trọng như con rồng của truyền thuyết Trung Hoa. Con rồng Trung Hoa được xem như là một trong tứ linh là bốn con vật linh nhất trong vũ trụ. Nó có một khả năng biến hóa vô cùng và có nhiệm vụ giúp trời trong nhiều công việc, đặc biệt là công việc làm mưa đề cho nhơn gian có nước mà dùng. Do đó, người Trung Hoa rất tôn trọng con rồng và lấy nó làm biểu tượng cho nhà vua. Phần con rồng Tây Phương thì cũng được xem là một con vật có sức mạnh siêu phàm đáng sợ, nhưng đó là một quái vật chớ không phải là một linh vật. Nó không có nhiều khả năng biến hóa như con rồng Trung Hoa. Nó vẫn chỉ làm những việc có lợi cho nó mà có hại cho loài người, và tài đặc biệt của nó là phun ra lửa để hạ kẻ địch. Trong vũ trụ quan Trung Hoa, lửa thuộc hành hỏa và có liên hệ với màu đỏ. Vậy năm lằn sọc đỏ dưới bụng con Bạch Long Xà có thể đã được Kim Dung dùng để ám chỉ khả năng phun lửa của con rồng Tây Phương.

Xin cảm ơn bạn đã đọc hết bài

Mã-giảm-giá-Tiki-khuyến-mãi-ưu-đãi-tại-Tiki

Leave a Comment