Tải sách Truyện của lính Tây Nam Ebook/Epub/PDF

Truyen-cua-linh-Tay-Nam

Sách Truyện của lính Tây Nam

Tác giả : Thủy Hướng Dương

Tải sách Miễn Phí

pdfmobiepub

Nội dung sách Truyện của lính Tây Nam

Hồi ký của một người phụ nữ có tham gia vào chiến trường Tây Nam chống lại Khơ me đỏ.

Lính tình nguyện Campuchia

“Có cảm giác chị Thủy Hướng Dương viết truyện này cứ như đã trực tiếp tham gia trong chiến tranh, từ cách thể hiện diễn biến tâm lý, tình cảm của nhân vật đến diễn biến của các trận chiến, thật khốc liệt với những mất mát đau thương. Có những đoạn khiến người đọc như đang ở trong hoàn cảnh đó, hồi hộp đến nghẹt thở rồi phải trào nước mắt vì xúc động. Chiến tranh được mô tả trần trụi khốc liệt đầy sinh động về người lính qua ngòi bút của cây viết nữ thật đáng khâm phục.”

“Sinh sau năm 1970, Thủy Hướng Dương chỉ nghe kể chuyện lúc rảnh rỗi thôi mà viêt được những mấu chuyện lính rất thật, như người trong cuộc, khiến tôi kinh ngạc và thán phục cô ấy. Những mẩu chuyện viết rất chân thật, mạch lạc và dễ cảm nhận. Thủy Hướng Dương đã mô tả cuộc sống đời lính rất thật, muôn hình muôn vẻ, “rất lính”.”

CHƯƠNG I

Đầu tháng 12 năm 1977, đơn vị tôi đang đóng quân ở Bỉm Sơn – Thanh Hóa thì được lệnh vào chiến trường Tây Nam để chiến đấu. Cả đơn vị xôn xao, bàn tán suốt cả ngày. Lại chiến tranh ư? Vừa giải phóng Miền Nam xong, mới thống nhất đất nước, sao còn đánh nhau nữa? Mà đánh nhau với ai kia chứ? Cứ tưởng rằng đợt lính nhập ngũ năm 1976 chúng tôi chỉ còn là lính nghĩa vụ, đi để xây dựng một quân đội thật chính quy và hiện đại thôi. Ai ngờ…

Nhưng cũng đúng thôi, chúng tôi được biên chế vào quân đoàn 1, F320, E48 – quân chủ lực cơ mà. Hơn nữa quân đoàn này có truyền thống trăm trận trăm thắng, nổi tiếng từ hồi chống Mỹ.

Cho đến lúc này thì đơn vị tôi, nhất là C11 toàn lính Hà Nội. Hầu hết chúng tôi đều ở cùng tiểu khu Quang Trung, quận Đống Đa nên một số đã quen biết nhau vì đều cùng học với nhau ở trường cấp 3 Đống Đa cả.

Từ bây giờ, chúng tôi mới bắt đầu theo dõi thời sự qua Đài tiếng nói Việt nam, biết rằng ở Xa Mát, Lò Gò, Tây Ninh vừa có một vụ thảm sát cả cô lẫn trò trường tiểu học Xa Mát cùng một số dân thường ở đó do quân Khmer Đỏ tràn sang gây hấn.

Cả đơn vị tôi sục sôi. Ai cũng muốn mau chóng được vào ngay chiến trường. Tôi cảm thấy trong đại đội tôi không có ai tỏ ra lo sợ cả, mặc dù chưa ai biết đánh nhau là gì và sẽ như thế nào. Trong những ngày chờ đợi, chúng tôi ai cũng tranh thủ viết thư về nhà, cho gia đình, bố mẹ, người yêu… là mình chuẩn bị “được” vào Tây Ninh chiến đấu.

Sốt ruột chờ đợi, rồi cũng có lệnh lên đường. Sáng ngày 15-12- 1977, tất cả chúng tôi rời Bỉm Sơn – Thanh Hóa, nơi đã gắn bó chúng tôi gần một năm trời với bao kỷ niệm vui, buồn.

Cả Trung đoàn 48 chúng tôi lên đường! Không phải, cả sư đoàn thì đúng hơn. Quân, tư trang thật gọn nhẹ chỉ với một ba lô con cóc, chúng tôi ra đi chiến đấu, rời miền Bắc thân yêu, nhẹ nhàng như là một buổi đi tập dã ngoại và hiện đại hơn lớp cha anh thời chống Mỹ ở chỗ chúng tôi được hành quân bằng ô tô thay vì phải đi bộ hàng tháng trời mới vào tới chiến trường. Từng đoàn xe ô tô, chở cả trung đoàn vào biên giới Tây Ninh, nơi chiến trường mới đang chờ đón.

Trên suốt dọc đường hành quân, tất cả anh em chúng tôi lại càng gắn bó, thân thiết với nhau hơn bao giờ hết, chốc chốc những lời ca của bài hát “Đại đoàn đồng bằng” và “Tôi xa Hà nội năm tôi mười tám khi vừa biết yêu” lại vang lên trong mỗi chiếc xe.

Mãi cho đến tối 23-12-1977 thì chúng tôi vào tới Xa Mát, Lò Gò (Tây Ninh) và đổ quân xuống một cánh rừng giáp biên giới Campuchia. Phần vì mệt do đi đường xa, phần vì lần đầu tiên trong đời bộ đội nằm đất, ngủ rừng nên lúc đầu chúng tôi túm tụm lại rì rầm trò chuyện nhưng rồi chỉ ít phút sau đã thiếp đi lúc nào không hay, mặc cho phía sau cánh rừng tiếng súng nổ đì đùng…

* * *

Sáng ngày hôm sau, tất cả trung đoàn chúng tôi được biên chế lại. Tôi cứ tưởng thế nào tôi cũng được ở cùng với anh em trong đại đội C11 thân yêu của tôi, nhưng hóa ra không phải. Tất cả chúng tôi bị chia nhỏ để bổ sung vào các đơn vị khác nhau. Chủ yếu là về F320 và F10 quân đoàn 3. Một số vẫn ở lại E48, một số về E64, gần một nửa nữa về sư 10 và một ít về E52 trong đó có tôi.

Lúc các đơn vị đến nhận quân, mọi người khẩn trương lần lượt về đơn vị mới. Tôi ôm lấy Vọng con, Thái, Long Khùa, Vinh kều… rồi gạt nước mắt mà chia tay. Một thoáng suy nghĩ đến sự sống chết lướt qua trong đầu tôi rất nhanh: “Không biết có còn gặp lại chúng mày nữa hay không”.

Điểm lại tình hình, chỉ còn một số ít anh em, tôi, Dũng con, An, Minh sứt và mấy người nữa… An, Minh sứt, Thỏa chúng nó được ở với nhau về đại đội công binh, sướng thế! Dũng con và mấy thằng nữa về bộ binh. Còn lại mỗi mình tôi về đơn vị mới thành lập ngày hôm đó là C25 vận tải.

Tôi phát khóc vì toàn bộ số anh em thân thiết ở đại đội đều được ở với nhau chỉ mỗi tôi phải đi đơn vị khác. Mặc dù tôi đã cố kìm, nhưng nước mắt vẫn trào ra. Trong tôi tràn ngập cảm giác lạc lõng vì phải ở một đơn vị toàn người xa lạ. Ở đơn vị cũ, đi bất cứ chỗ nào cũng được anh em gọi: “Ê, Tuấn tròn, Tuấn tròn… lại đây với bọn tao!” đầy thương mến mà nay phải ở một mình một đơn vị thử hỏi thằng tôi không khóc làm sao được?

* * *

Tôi vác ba lô về đơn vị mới và được đề bạt làm tiểu đội trưởng tiểu đội 1. Thật quá ngạc nhiên! Tôi không hiểu sao mình lại được làm tiểu đội trưởng vì tôi rất nghịch và ngang bướng.

– Kệ, cứ để xem sao – Tôi nghĩ vậy. Tiểu đội tôi có mười hai chiến sĩ và tôi bất ngờ phát hiện ra tiểu đội mình toàn lính cựu: ba ông lính 74, tám ông lính 75, có mỗi mình tôi là lính 76 mà lại bé loắt choắt. Tôi đâm lo thật sự. Không biết mình sẽ chỉ huy mấy ông anh thế nào bây giờ đây. Lúc tập trung tiểu đội, tôi hơi cuống và giới thiệu liền một mạch:

– Tôi – Tuấn tròn, người Hà Nội, tiểu đội trưởng. Còn các ông anh? Tên gì, ở đâu?

Mọi người đưa mắt nhìn nhau, rồi nhìn tôi hơi có vẻ ngỡ ngàng. Có một anh bỗng đứng dậy hô rất to:

– Tôi, binh nhất Trần Vòng, lính 75!

Rồi cứ thế… Sơn 75, Ần 75, Bình 75, Sáng 75, Soạn 75, Bình voi 75, Cường 75, Long Fulro 74, Khang 74,

Và cuối cùng:

– Hùng 74. Báo cáo: Hết!

Điểm danh với nhau xong mọi người phá lên cười. Cười vì cái cách của tôi cũng ngang tàng không kém gì các đàn anh. Tôi biết, vậy là ổn. Tôi tranh thủ phổ biến công việc vận tải của chúng tôi phải làm là mang súng, đạn dược xuống tận các chốt chiến đấu, đưa thương binh tử sĩ về hậu phẫu trung đoàn.

Tất cả sẵn sàng chuẩn bị cho chiến đấu! Đêm Noel 24 tháng 12.1977, chúng tôi hành quân từ Sa Mát vào sát biên giới, đóng quân dọc con suối Đà Ha. Con suối này một phần nằm trên đất Việt Nam, một phần nằm trên đất Campuchia, nếu không có chiến tranh thì chắc con suối này sẽ là con suối rất thơ mộng như cái tên của nó. Nhìn con suối nước trong veo, róc rách chảy hiền hòa và những cây leo từ trên cây cổ thụ thõng xuống dòng nước thế này sẽ không ai có thể tưởng tượng được chính con suối này đã chứng kiến bao nhiêu sự chết chóc của cả hai bên đối địch. Cũng chính con suối này, mỗi lúc bọn tôi xuống tiểu đoàn về đều qua đây nhảy ào xuống tắm mát vô cùng. Có lần chúng tôi còn bắt gặp một con trăn, mình của nó bằng bắp chân người, bọn tôi giơ súng lên bắn nó mấy phát chẳng biết nó có bị trúng đạn không nhưng thấy nó chạy rẽ nước mất hút, làm chúng tôi tiếc ngẩn tiếc ngơ.

Tiếng súng ngày càng gần và càng dữ dội hơn. Chúng tôi ở bên này suối còn địch ở bên kia. Đơn vị chúng tôi có nhiệm vụ đánh bật địch ra khỏi bản Không tên bên này bờ suối, hất chúng ra khỏi biên giới của ta. Tiểu đội tôi phụ trách tuyến tiểu đoàn 4. Chỉ có 12 người vừa gùi đạn xuống cho cả một tiểu đoàn vừa đưa thương binh về tuyến sau.

Trận chiến bắt đầu từ nửa đêm cho tới trưa ngày hôm sau. Lính ta bị thương và hy sinh khá nhiều. Toàn tiểu đội tôi cứ như con thoi chạy lên, chạy xuống. Riêng tôi đã phải cõng gần chục ca thương binh, bộ quân phục đang mặc trên người ướt sũng máu của đồng đội. Trong đầu tôi chỉ còn nghĩ được mỗi một điều: “Phải cõng các anh chạy thật nhanh, không thì các anh chết mất!” – và cứ thế, tôi quên đi cái cảm giác sợ hãi đến lạ lùng trong khi đạn vẫn cứ chiu chíu quanh tôi…

 

Xin cảm ơn bạn đã đọc hết bài

Mã-giảm-giá-Tiki-khuyến-mãi-ưu-đãi-tại-Tiki

Leave a Comment