Tải sách Sách Điểm Khủng Hoảng
Tác giả : Brian Tracy
Tải sách Miễn Phí
Nội dung sách Sách Điểm Khủng Hoảng
Chào mừng bạn đến với Điểm khủng hoảng. Dù là ai, đang làm gì, là cá nhân hay tổ chức nào, bạn đều sẽ gặp phải các vấn đề khó khăn, những thay đổi bất ngờ và những khủng hoảng cần phải xử lý ngay để không bị đá văng ra khỏi trạng thái cân bằng hiện tại.
Trung bình hai đến ba tháng, các doanh nghiệp lại bước vào một đợt khủng hoảng mới. Nếu những khủng hoảng này không được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả, nó có thể đe dọa đến sự tồn vong của doanh nghiệp đó. Tương tự như vậy, mỗi cá nhân cũng luôn phải đối diện với những khủng hoảng về tài chính, gia đình hay sức khỏe có thể khiến bạn lao đao theo chu kỳ trên.
Tuy nhiên, khi bạn càng cảm thấy khó khăn, vấn đề càng trở nên hóc búa. Đối diện với thử thách khi khủng hoảng cận kề là cách duy nhất giúp bạn chứng minh với bản thân và mọi người bạn thực sự là ai. Như nhà tâm lý học người Hy Lạp, Epictetus, từng nói, “Hoàn cảnh không tạo nên một con người mà chỉ vạch trần bản chất của người đó”.
Có nhiều kiểu khủng hoảng bạn sẽ phải trải qua như sản lượng bán hàng và doanh thu sụt giảm, dòng tiền thấp, v.v… Bạn có thể mất đi khách hàng hoặc mối kinh doanh lớn. Bạn có thể phải chịu những chi phí hoặc thay đổi bất ngờ ngoài dự kiến khiến bạn thua lỗ hay thậm chí mất đi cả công việc của mình. Người trong nội bộ hay ngoài công ty có thể trở thành đối thủ cạnh tranh hoặc có những hành động không trung thực. Bạn có thể bị lừa hay bị “đâm sau lưng” bởi chính bạn bè, đồng nghiệp của mình. Thật ngạc nhiên, đây lại đều là những điều phổ biến mà ai cũng sẽ gặp phải trong đời.
Khủng hoảng có thể xuất hiện khi khách hàng chính của bạn phá sản, không có khả năng trả nợ và đẩy bạn vào tình thế tài chính bấp bênh. Ngân hàng của bạn có thể ngừng cấp vốn. Nguồn thu chính và vốn đầu tư cạn kiệt. Bạn có thể bất ngờ bị sa thải một cách vô cớ và không chốn dung thân chỉ trong một đêm. Khủng hoảng cũng có thể đến khi bạn gặp các vấn đề với gia đình, tài chính hoặc sức khỏe. Trong bất cứ trường hợp nào, bạn đều có thể thấy mình đang đâm đầu vào ngõ cụt, trong lúc khủng hoảng, hoặc bạn sẽ thành công cả về tài chính lẫn cảm xúc hoặc bạn chỉ cố gắng tồn tại để cầm cự ở trạng thái cân bằng.
Ứng phó với thử thách
Từ năm 1934 đến năm 1961, nhà sử học Arnold Toynbee đã cho ra mắt bộ sách 12 tập mang tên A Study of History (tạm dịch: Nghiên cứu về lịch sử), tìm hiểu về sự hình thành và suy vong của 26 nền văn minh trong suốt hơn 3.000 năm. Những kết quả nghiên cứu của ông về chu kỳ tồn tại của các đế chế có thể áp dụng một cách hoàn hảo cho sự phát triển và suy yếu của những doanh nghiệp lớn nhỏ cũng như đời sống của các cá nhân. Những bài học ông đúc kết cũng có thể ứng dụng được cho cuộc sống của chính bạn.
Dựa trên nghiên cứu của mình, Toynbee đã phát triển thuyết Ứng phó với thách thức của lịch sử (Challenge-Response Theory of History). Ông nhận ra rằng, các đế chế khởi đầu từ một bộ tộc luôn phải đối diện với những thách thức đến từ bên ngoài thường sẽ là một nhóm người muốn xâm chiếm. Trong kinh doanh, đó là sự cạnh tranh tích cực và những biến động trên thị trường.
Toynbee cho rằng, để ứng phó hiệu quả với các nguy cơ bên ngoài, nhà lãnh đạo phải tái cơ cấu tổ chức một cách nhanh chóng nếu muốn nó tồn tại. Một khi nhà lãnh đạo đưa ra quyết định và hành động đúng đắn, toàn bộ tổ chức sẽ đủ sức đương đầu với thử thách, đánh bại đối thủ cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình củng cố và phát triển, bản thân tổ chức cũng có thể gặp phải sự đối đầu từ các tập đoàn, đơn vị lớn hơn và đối mặt vớinhiều thách thức hơn. Chừng nào nhà lãnh đạo và tổ chức đó còn tiếp tục đứng lên vượt qua những thử thách khó khăn mà họ phải đương đầu, chừng đó họ còn tiếp tục tồn tại và phát triển. Đối diện với những khó khăn không ngừng, dù là một đế chế nhỏ như Mông Cổ cũng có thể trở thành một quốc gia, một dân tộc hùng mạnh, kiểm soát được đất đai, tài nguyên và người dân của mình.
Sự phát triển cá nhân
Những phát hiện của Toynbee về chu kỳ tồn tại của các nền văn minh cũng có thể áp dụng cho cuộc sống cá nhân và công việc của bạn. Ngay từ khi khởi nghiệp, bạn sẽ phải đối mặt với các vấn đề khó khăn, thất bại tạm thời và muôn vàn thử thách không ngừng ùa tới. Bạn vừa xử lý xong vấn đề này thì sẽ luôn có ngay vấn đề khác lớn hơn hay thậm chí phức tạp hơn xảy đến.
Những thách thức, vấn đề và khủng hoảng thường xảy đến một cách tự nhiên, bất ngờ, khó lường, nằm ngoài mong đợi và luôn khá nghiêm trọng. Bạn không thể trốn tránh hay gạt đi cũng như không thể làm chúng biến mất hoàn toàn. Việc duy nhất bạn có thể làm là đối mặt với chúng. Tất cả những gì bạn có thể quyết định được là cách bạn sẽ tiếp nhận, ứng phó với những thay đổi, biến động khó có thể tránh khỏi đó trong công việc cũng như trong đời sống cá nhân. Điều này hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của bạn.
Chính vì vậy, khả năng phản ứng trong cuộc sống sẽ quyết định sự tồn tại, sức khỏe, hạnh phúc và sự thành đạt của bạn. Nếu ứng phó một cách hiệu quả, bạn có thể vượt qua mọi thử thách tưởng chừng như bất khả trong cuộc sống và tiếp tục phát triển kiến thức, kinh nghiệm của mình để trở nên khôn ngoan và trưởng thành. Cuối cùng, bạn sẽ là người chiến thắng.
Nhà tâm lý học Friedrich Nietzsche từng có một câu nói nổi tiếng: “Những thứ không đánh gục được tôi sẽ khiến tôi mạnh mẽ hơn (“What doesn’t kill me makes me stronger”).
Đương đầu với thử thách
Cách duy nhất để nhận thức đầy đủ tiềm năng và trở thành bất cứ ai bạn có thể trở thành là tìm cách vượt qua khủng hoảng một cách hiệu quả. Cách duy nhất để đạt được mọi mục tiêu là ứng phó hiệu quả với những khó khăn không tránh khỏi trong cuộc sống hằng ngày.
Chìa khóa để thể hiện bản thân tốt nhất trong giai đoạn khủng hoảng là tập trung toàn bộ tâm trí tìm ra giải pháp cho vấn đề hơn là tập trung vào vấn đề đó. Càng nghĩ về những giải pháp khả quan, bạn càng nhanh chóng tìm ra chúng và tình hình sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Tập trung tìm kiếm giải pháp thay vì suy nghĩ theo hướng tiêu cực giúp bạn trở nên tích cực, sâu sắc và sáng tạo hơn. Hành động đưa ra càng cụ thể, sự kiểm soát và tự chủ của bạn sẽ càng tăng.
Tố chất quan trọng của nhà lãnh đạo là khả năng xử lý tốt khủng hoảng. Có thể nói khả năng lãnh đạo là khả năng giải quyết hiệu quả mọi vấn đề bất kể chúng ở hình thức nào.
Thành công cũng là khả năng giải quyết vấn đề. Những người làm việc hiệu quả và được coi trọng nhất trong bất kỳ lĩnh vực nào là người có khả năng xử lý tốt các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực đó.
Xin cảm ơn bạn đã đọc hết bài
Leave a Comment