Tải sách Nam Tước Trên Cây PDF/Ebook/Epub/Mobi
Tác giả : Italo Calvino
Tải sách Miễn Phí
Nội dung sách Nam Tước Trên Cây
Đó là vào ngày 15 tháng Sáu năm 1767, Cosimo MưaGiông xứ Rondo , anh tôi, lần cuối cùng ngồi chung với chúng tôi. Tôi ngỡ như mới hôm qua. Chúng tôi đang ở trong phòng ăn tại trang viên BóngRâm của gia đình, các cửa sổ lên tranh từng khoảng cành lá rậm rạp của cây sồi xanh lớn trong vườn. Bấy giờ là giữa trưa, thời khắc mà gia đình chúng tôi, tuân thủ một truyền thống lâu đời, ngồi vào bàn ăn, mặc cho cái mốt đã phổ biến trong giới quý tộc lúc ấy, xuất phát từ thói dậy trễ của Triều thần Pháp: ăn sáng vào xế trưa. Tôi nhớ, gió thì lộng từ biển, còn lá thì xào xạc. Cosimo tuyên bố:
– Không! Con đã bảo là con không ăn! Rồi anh đẩy cái đĩa ốc sên ra xa. Sự bất tuân thủ chưa bao giờ nghiêm trọng đến thế.
Ngồi đầu bàn là Nam tước Arminio MưaGiông xứ Rondo, bố chúng tôi, với bộ tóc giả thả lửng xuống tai kiểu vua Louis XIV, không còn hợp thời như nhiều thứ khác của bố. Giữa tôi và anh tôi là thầy Trùm CắtTiệtHoa, gia sư của chúng tôi. Trước mặt chúng tôi là Nữ tướng Corradina xứ Rondo, mẹ chúng tôi, và chị chúng tôi, Battista, nữ tu tại gia. Ở đầu bàn kia, đối diện với bố, ăn mặc kiểu người Thổ Nhĩ Kỳ, là ngài Trạng Enea Carrega GỗDày, quản gia và chuyên gia thủy lực của trang viên, ông chú “họ”: người em không chính thức của bố.
Từ vài tháng nay, Cosimo tròn mười hai tuổi, còn tôi đã lên tám, chúng tôi được phép ngồi cùng bàn ăn với bố mẹ; nghĩa là: nhờ sự thăng tiến của anh tôi, tôi được hưởng đặc ân trước thời hạn, bố mẹ không muốn để tôi ngồi ăn đơn độc. Được hưởng đặc ân chỉ là một cách nói: trên thực tế, với Cosimo và cả tôi, thế là đi đứt một chốn đùa vui, chúng tôi tiếc nuối những bữa ăn trong gian phòng nhỏ của chúng tôi, chỉ hai anh em với thầy Trùm CắtTiệtHoa. Thầy là một lão già nhỏ thó, khô đét, da nhăn nheo, nổi tiếng về cái tính cách Giăng-xê-nít của mình, thật vậy, thầy từng trốn khỏi xứ Dauphiné quê thầy để tránh cuộc phán xử của Tòa án Dị giáo. Nhưng cái tánh nết nghiêm khắc thường được mọi người ca ngợi, sự khắt khe nội tâm mà thầy áp đặt lên chính mình và lên người khác, thường xuyên nhường bước cho một thiên hướng chủ yếu dẫn tới một thái độ lãnh đạm và để mặc mọi chuyện, như thể những buổi tĩnh tâm dài, mắt cắm vào khoảng không, chỉ mang lại cho thầy một nỗi chán chường sâu thẳm và một sự uể oải toàn diện, thế rồi, trước bất kỳ một nỗi cam go nào, ngay cả bé tí teo, thầy cũng chỉ nhìn ra cái tín hiệu về một kiểu tiền định mà ta chẳng nên đề kháng. Những bữa ăn bên cạnh thầy Trùm bắt đầu sau bài cầu xin dài, những chiếc thìa di chuyển trịnh trọng, đều đều, lặng lẽ, liệu hồn cho kẻ đưa mắt lên khỏi đĩa ăn, hay là phát ra những tiếng húp rột roạt nhẹ nhất; ấy thế mà mới hết đĩa xúp thì thầy Trùm đã mệt, đã chán, thầy nhìn vào khoảng không, tặc lưỡi nhắp từng ngụm rượu, như thể chỉ có những cảm giác ơ hờ và chóng tàn nhất mới có thể tiếp cận được với thầy; bước vào món chính thì chúng tôi đã có thể ăn bằng tay, rồi kết thúc bữa ăn bằng cách lia ném những thỏi lõi lê, trong lúc thầy Trùm thì thỉnh thoảng buột ra một trong những kiểu uể oải của mình:
– … Ooo bien!… Ooo alors!1
Giờ đây, thật vậy, ngồi cùng bàn với gia đình, những nỗi oán giận gia tộc lần hồi hiện hình: cái chương buồn của tuổi thơ. Bố mẹ thì luôn luôn sờ sờ trước mặt, nào là sử dụng dao nĩa cho miếng gà, nào là ngồi thẳng lưng, nào là bỏ cùi chỏ khỏi cái bàn ăn ngay lập tức, liên miên không dứt! Cả cái sự vô duyên của chị Battista nữa chứ. Thế là hàng loạt quát mắng, đét nện, trừng phạt, cứng đầu cứng cổ cứ thế mà khởi động cho đến cái hôm Cosimo khước từ đĩa ốc sên và quyết định tách số phận anh ra khỏi số phận chúng tôi.
Về những nỗi chất chồng xót xa quyến thuộc ấy, sau này tôi mới ý thức: lúc đó tôi lên tám, mọi sự đối với tôi là một trò chơi, trận chiến của những đứa trẻ chúng tôi với người lớn là chuyện thông thường của mọi đứa trẻ, tôi đã không hiểu được rằng, việc anh tôi nỗ lực lì lợm còn che giấu điều gì đó sâu hơn.
Bố chúng tôi, vị Nam tước, là một người không xấu tính nhưng tẻ ngắt, đúng thế: tẻ ngắt, bởi vì đời ông chịu sự thống lĩnh của những ý nghĩ lạc điệu như thường thấy ở các thời buổi quá độ. Đối với một số người, sự lay động của thời thế tuy cũng truyền đạt cho họ một nhu cầu tự lay động chính họ, nhưng lại là kiểu lay động hoàn toàn trái chiều, trật lối, bố cũng thế, trước những gì đang sục sôi xung quanh, ông lại kiêu hãnh xưng tụng cái chức danh Công tước xứ BóngRâm, và không nghĩ gì khác hơn là những bảng phả hệ, những kiểu kế vị, kình địch, và liên minh với các thế lực gần xa.
Xin cảm ơn bạn đã đọc hết bài
Leave a Comment