Tải sách Cuộc Chơi Đầu Tư Mạo Hiểm
Tác giả : Jeffrey Bussgang
Tải sách Miễn Phí
Nội dung sách Cuộc Chơi Đầu Tư Mạo Hiểm
1. KHÁT KHAO CHÁY BỎNG CỦA CÁC DOANH NHÂN: THAY ĐỔI THẾ GIỚI
Để thực sự hiểu về thế giới của các doanh nghiệp mới thành lập được các quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ, đầu tiên, chúng ta cần phải tìm hiểu kỹ về tinh thần của các doanh nhân khởi nghiệp bởi nó khác biệt hoàn toàn so với tinh thần của các doanh nhân thông thường.
Động lực trở thành doanh nhân đã ăn vào máu tôi từ rất lâu. Tôi bị công nghệ hấp dẫn từ khi còn là một đứa trẻ. Tôi hay bông đùa nói với bố mẹ mình rằng tình yêu của tôi đối với máy tính bắt nguồn từ tất cả các trò chơi video mà tôi đã chơi trong khi chờ chị gái tôi ở ngoài các sân tập trượt băng hay các trận đấu tập. Khi Apple II ra đời, tôi xin bố mẹ mua cho tôi một chiếc và đã rất vui mừng khi đầu tư khoản tiền tiết kiệm của mình từ việc đưa báo hàng sáng để phụ bố mẹ mua chiếc Apple II.
Tôi đã may mắn khi lần đầu tiên được cọ xát trong lúc làm việc tại một công ty mới khởi nghiệp suốt mùa hè năm thứ nhất tại trường kinh doanh. Tôi trở thành thành viên của “nhóm điều hành” một công ty phần mềm mới thành lập. Toàn bộ 10 nhân viên đều làm việc trong một căn hộ ở Boston, thuộc dãy nhà đằng sau một nhà hàng Trung Quốc. Tôi vẫn nhớ mùi ở đó – thật chẳng mấy dễ chịu. Phó Giám đốc Marketing thường mang con chó của cô ấy đến “văn phòng” và nó thường sủa ầm ĩ mỗi khi tôi chuẩn bị chốt được hợp đồng qua điện thoại.
Kinh nghiệm làm việc ở công ty này đã mang lại cho tôi một trải nghiệm thú vị. Đó là chiếc “hộp cát” giúp tôi học được về áp lực thực sự trong việc điều hành một công ty phần mềm nhỏ: Vận chuyển các sản phẩm, làm việc với các đối tác, thanh toán chi phí và thực hiện các thỏa thuận.
Từ trải nghiệm kinh doanh đầu tiên đó, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều.
Bản chất của một doanh nhân không thay đổi nhiều kể từ khi tôi còn là sinh viên. Điều này thể hiện rõ ràng ở một sự kiện mạng lưới mà công ty tôi, Flybridge Capital Partners, tổ chức hàng năm cho các sinh viên tốt nghiệp Harvard và MIT Sloan về quản lý. Chúng tôi mời đến rất nhiều thanh niên trẻ mong muốn trở thành doanh nhân.
Việc các sinh viên dường như hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những thăng trầm của nền kinh tế xung quanh họ đã thôi thúc tôi tổ chức sự kiện này. Ví dụ, vào năm 2009 – một trong những năm tồi tệ nhất của nền kinh tế từ nhiều thập kỷ qua – họ hoàn toàn không bối rối trước sự sụp đổ của thị trường tiền tệ, sự “bốc hơi” của hàng nghìn tỷ đô-la chứng khoán và bất động sản, đi kèm với sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Thực tế, những chủ đề này thậm chí không hề ảnh hưởng gì đến họ.
Không, họ muốn nói về công nghệ sạch, sự phát triển bền vững, các thiết bị và bộ cảm biến y tế trong mơ, Google cạnh tranh với Microsoft, các cơ hội nảy sinh do thế hệ di động mới nổi và công cuộc chuyển đổi hàng trăm tỷ đô-la trong ngành quảng cáo toàn cầu sang Web. Rất nhiều trong số họ tập trung vào các cơ hội ở các nước đang phát triển, sự khẩn cấp của viễn cảnh toàn cầu về vốn đầu tư, tinh thần kinh doanh và tất cả những chủ đề hấp dẫn khác.
Tóm lại, ước mơ cháy bỏng về kinh doanh đã thôi thúc họ. Họ quan tâm đến việc có được một công việc ở công ty nào đó trong vài tháng ngắn ngủi sau khi tốt nghiệp, nhưng họ tập trung nhiều hơn vào các ý tưởng, sự đổi mới và các cơ hội. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc thi sáng tạo kế hoạch kinh doanh trị giá 100.000 đô-la của MIT và hàng tá các cuộc thi tương tự trên khắp nước Mỹ đã thu hút được đông đảo người tham gia mỗi năm. Các nhóm doanh nhân sinh viên đã nỗ lực đưa ra nhiều kế hoạch kinh doanh với hy vọng sẽ dành được cả vốn đầu tư lẫn danh tiếng.
Tôi chỉ có thể kết luận rằng, trong tâm trí của các sinh viên tốt nghiệp các trường kinh doanh của Mỹ, “bình minh luôn xuất hiện trên nước Mỹ” (xin cảm ơn Ngài, Ronald Reagan) và rằng nền kinh tế tư bản mãi mãi là một thành phố trên ngọn đồi tỏa sáng (xin cảm ơn Ngài, John Winthrop), thậm chí cả khi những biến động của nền kinh tế xuất hiện. Thực tế, hiện nay, nền kinh tế tư bản, hơn bao giờ hết, là một đích đến rộng mở đối với bất cứ tài năng xuất chúng nào trên toàn thế giới.
TIỀN KHÔNG PHẢI LÚC NÀO CŨNG LÀ ƯU TIÊN SỐ 1
Một thứ mà bạn không bao giờ nghe thấy các sinh viên vừa mới tốt nghiệp nói về, ít nhất không nói ra trực tiếp, đó là tiền bạc. Đương nhiên, họ muốn kiếm tiền – và trở thành người lạc quan theo suy nghĩ của họ – nhưng tiền không bao giờ là mục tiêu hàng đầu của họ.
Tôi sẽ phân tích và chỉ rõ quan điểm này. Từ khi còn là một đứa trẻ, nghe thấy bố mẹ thảo luận về tình hình kinh doanh ở công ty của bố , tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi họ chủ yếu nói về mọi người và các mối quan hệ thay vì công nghệ hay tiền bạc. Làm sao Phó Giám đốc Kỹ thuật có thể giao tiếp tốt hơn với Phó Giám đốc Marketing? Liệu đội ngũ kỹ thuật có hợp tác tốt với nhau khi tham gia vào dự án mới không? Đó là khi tôi biết được về trọng tâm của các mối quan hệ giữa con người với nhau trong kinh doanh, nền tảng đã hướng sự nghiệp của tôi và cũng là nền tảng đóng vai trò chủ chốt được nhắc đi nhắc lại trong các câu chuyện về những doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm mà tôi phỏng vấn trong cuốn sách này.
Ảnh hưởng đó có thể là lý do tại sao tôi quyết định ưu tiên theo đuổi những niềm đam mê trí tuệ không liên quan đến tiền bạc, đặc biệt, ngay từ khi mới khởi nghiệp, thay vì tập trung trải nghiệm các cuộc chơi kinh doanh. Lần đầu tiên, tôi trải nghiệm đam mê của mình vào đầu năm 1995, không lâu trước khi tôi tốt nghiệp HSB. Tôi được mời tới ăn tối với vài thành viên của một công ty đầu tư mạo hiểm uy tín có trụ sở ở Boston. Bữa tối diễn ra vui vẻ và các đối tác đã đề nghị tôi bay đến Thung lũng Silicon để gặp gỡ những thành viên khác của công ty này. Không lâu sau đó, tôi nhận được lời mời gia nhập công ty.
Tuy nhiên, tôi đã từng tập trung để trở thành một doanh nhân, nên tôi không biết cách đánh giá cơ hội. Tôi thậm chí còn không biết ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm là gì và nó hoạt động ra sao. Tôi tham vấn ý kiến của vài người bạn và họ khuyên tôi cần cân nhắc hai vấn đề. Vấn đề đầu tiên là tiền bạc. Họ nói rằng các cổ đông cao cấp ở các công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu đã kiếm được hàng núi tiền với một sự nghiệp thành công và lâu dài (một trong số những người bạn của tôi đã ám chỉ thế giới đầu tư mạo hiểm như “một loại hình kinh doanh làm giàu”.) Vấn đề thứ hai là bản chất công việc. Theo như một trong những cổ đông của công ty đầu tư mạo hiểm này, thì đầu tư mạo hiểm là lĩnh vực “dài hàng cây số nhưng sâu vài phân”. Bạn có thể phải hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng không bao giờ đi quá sâu vào bất cứ một lĩnh vực nào và gây dựng thứ gì đó của riêng mình.
Sau một vài cân nhắc, tôi quyết định theo đuổi niềm đam mê kinh doanh. Tôi muốn tự tay làm việc. Vì thế tôi từ chối lời đề nghị, hy vọng rằng đó sẽ là mối cơ duyên cuối cùng với các nhà đầu tư mạo hiểm.
Nhưng thực tế không phải vậy. Họ vẫn nhã nhặn giới thiệu tôi với một số công ty trong danh mục đầu tư của họ. Một trong số đó là Open Market, một công ty Internet mới thành lập có trụ sở tại Boston chuyên phát triển các phần mềm cơ sở hạ tầng, nhằm mục tiêu biến Internet thành một môi trường kinh doanh an toàn – đúng lĩnh vực mà tôi yêu thích. Tôi nắm lấy cơ hội tham gia vào công ty này ở vị trí quản lý sản phẩm tập sự với mức lương 65.000 đô-la một năm, nhiều hơn số tiền mà tôi đã từng kiếm được nhưng vẫn là một mức lương khởi điểm trung bình cho một MBA Harvard vào thời gian đó.
Bạn học của tôi nghĩ tôi thật điên rồ, nhưng tôi không thể cưỡng lại được sức hấp dẫn của một công ty mới khởi nghiệp như thế – dường như điều đó đã ăn sâu vào máu của tôi.
May mắn thay, bản năng của tôi đã đúng.
Xin cảm ơn bạn đã đọc hết bài
Leave a Comment