Tải sách Anh Hùng Đông A Gươm Thiêng Hàm Tử PDF/Epub/Ebook
Tác giả : Yên Tử Cư Sỹ – Trần Đại Sỹ
Tải sách Miễn Phí
Nội dung sách Anh Hùng Đông A Gươm Thiêng Hàm Tử
Là phần 2 tiếp theo của phần trước là Anh Hùng Đông A Dựng Cờ Binh Mông. Phần này nói về cuộc đấy tranh ngoại giao, đấu tranh về vũ trang và thắng lợi của 2 cuộc chiến tranh chống nhà Nguyên sau này. Đây là 2 cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt. Nhiều chi tiết lịch sử được tác giả kể thông qua câu chuyện rất nhẹ nhàng và lôi cuốn độc giả, hơn hết là các tư liệu lịch sử rất quý giá mà tác giả đã bỏ nhiều công sức sưu tầm và đánh giá cuối cùng cho chúng ta những chi tiết rất thú vị, hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh này.
Phần 2 bắt đầu ngay từ lúc quân dân nhà Trần thắng quân Mông Cổ lần thứ nhất. Quân Mông cổ luôn có dã tâm sẽ đánh chiếm nước ta lần nữa và quân dân nhà Trần luôn biết ý đồ đó cho nên phần 2 này sẽ cho chúng ta biết rõ hơn đường đi nước bước của các bậc anh hùng các sự kiện lịch sử và cả các trận đánh hào hùng giữ gìn sự độc lập của đất nước.
Phần 2 không chỉ nói về cuộc chiến chống Mông Nguyên của Đại Việt mà còn kết nối với cuộc chiến chống Mông Nguyên của nước Tống, sự liên kết giữa 2 quốc gia cùng một chiến tuyến cũng như sự thành bại của đất nước do những người cầm đầu tạo nên.
Qua bộ sách này chúng ta sẽ thấy rõ hơn không chỉ các nhân vật lịch sử, các trận đánh và các sự kiện lịch sử thú vị được tác giả tìm tòi và trình bày cho chúng ta. Mà chúng ta còn có thể hình dung được những phong cảnh, phong tục của con người sống dưới thời đó như thế nào.
Nếu bỏ qua những tình tiết mà tác giả tự sáng tạo nên để tạo sự thú vị cho câu chuyện thì những sự kiện lịch sử mà tác giả trình bày đều được tác giả dày công nghiên cứu, tìm tòi và kiểm chứng kỹ càng trước khi đưa ra cho người đọc, tuy còn nhiều tranh cãi về các sự kiện lịch sử bí ẩn nhưng chúng ta hãy xem như đây là một truyện lịch sử hay và đáng đọc.
Trích đoạn:
Triều đình Tống ngày đêm lo sợ Mông cổ bây giờ họ thấy Tống chỉ mất một số vàng bạc tương đương với số tiền chi phí nuôi một hiệu binh trong hai năm mà cái ách Mông cổ được gỡ ra. Cái họa kị mã Mông cổ đốt nhà giết tuyệt cả một huyện, một thành phố không còn nữa thì mừng chi siết kể. Giữa bữa tiệc vua tôi, văn võ bá quan vui mừng ấy thì Khu mật viện đệ lên tấu chương của Tiết độ sứ Ích châu, nội dung tâu chiến thắng Bồ lăng, giết Mông ca. Vương Kiên còn xin xuất quân ra ngả Phù phong, đánh Võ đô, Hán trung, Vị Nam, Hàm dương. Xin triều đình cho quân vượt Trường giang đánh lên tái chiếm Kinh châu.
Giả Tự Đạo bỏ tấu chương vào túi, lệnh cho sứ giả của Vương Kiên nhập tiệc.
Tiệc tàn, Giả Tự Đạo lệnh ngày hôm sau, bách quan thiết đại triều nghe đình nghị về chiến cuộc Ích châu và hòa ước Ngạc châu.
Hôm sau, trong buổi thiết đại triều, khi các lễ nghi dứt, vì Tể tướng Giả Tự Đạo được ban ân: khi tâu trình không phải xưng tên, không phải qùy. Ông bước ra:
– Muôn tâu thánh hoàng, sau hơn tháng nghị hòa với Mông cổ, triều đình đã đạt được thắng lợi vô cùng lớn lao là Mông cổ chịu rút về Bắc, trả lại ta 11 châu, 144 thành. Tuy nhiên từ khi động binh họ phải chi quân phí quá nhiều, binh tướng chết vô kể. Họ đòi quân phí. Từ ngày nghị hội đầu tiên, điều kiện họ đưa ra để ngưng chiến là ta phải nộp vàng, bạc, lụa, và ngưng chiến tại chỗ. Tức chỗ nào họ chiếm được, họ giữ nguyên. Ta thì đồng ý nộp vàng lụa, nhưng không chịu cắt đất. Thế nhưng buổi hội cuối cùng, họ lại đồng ý rút quân về Bắc, trả ta 11 châu, 144 thành. Thực nằm mơ thần cũng không thể tưởng nổi. Chỉ mới hai ngày qua thôi, mà họ đã rút quân sang bên kia sông hết rồi.
Ông tự hào:
– Còn vàng, bạc, gạo nộp cho họ còn ít hơn quân phí một hiệu binh trong hai năm.
Không biết bệ hạ cùng triều đình có gì cần nghị không?
Một văn quan bước ra tâu:
– Thần Văn Thiên Tường, Khu mật viện sứ xin kính tâu: Mông cổ đang khăng khăng đòi đất, rồi thình lình mềm như con chi chi, nhận tất cả điều kiện của ta vì họ đại bại tại Ích châu. Đại Hãn của họ bị ta giết chết. Mông cổ đang có cuộc tranh dành ngôi Đại Hãn giữa hai người em của Mông Ca là Hốt Tất Liệt với A Lý Bất Ca. Hốt Tất Liệt chịu điều kiện của ta, để y rút quân về Bắc tranh thắng với A Lý Bất Ca.
Từ nhà vua cho đến văn võ bá quan nghe tin quân Tống giết Đại Hãn của Mông cổ đều kinh ngạc, mở to mắt nhìn nhau ngỡ ngàng Nhà vua hỏi:
– Khanh tâu chi tiết hơn về việc Mông Ca bị giết.
Sứ giả tâu trình chi tiết các trận đánh Điếu ngư, Trường thảo, Bồ lăng. Cuối cùng kết luận:
– Khi thần lên đường về đây thì Vũ Uy vương, Vương Tiết độ sứ đang ra quân đánh như sét nổ, tái chiếm lại toàn bộ Tứ xuyên. Mông cổ đã rút hết quân từ Ích châu về Hàm dương. Vương Tiết độ sứ muốn xin bệ hạ chấp thuận cho người khôi phục lại Đông xuyên, Tây xuyên, xuất binh ra Tà cốc chiếm Phù phong, Vị Nam, Hàm dương, Lâm đồng. Người xin triều đình xuất quân tái chiếm Kinh châu.
Giả Tự Đạo lắc đầu:
– Vương Kiên bị Mông cổ đánh chiếm gần hết Tứ xuyên, sức cùng, lực kiệt. May nhờ Đại Việt viện binh, xuất kỳ bất ý mà thành công. Mông Ca tuy chết, nhưng các tướng của y đâu có hèn? Mông cổ ở vùng ấy còn tới 30 vạn kị binh như hùm, như hổ. Bây giờ Vương Kiên định đem mấy hiệu binh ọp ẹp chọi với chúng e chết uổng mà thôi. Xin bệ hạ ban chỉ cho Vương Kiên: chỉ nên tái chiếm lại Ích châu là có đại công lớn vô cùng.
Triều đình đã ký hòa ước với chúng, để được yên rồi. Không nên chọc chúng nữa.
Quản Khu mật viện Văn Thiên Tường cãi:
– Từ trước tới nay Hốt Tất Liệt muốn lấn áp Mông Ca. Vì vậy Mông Ca mới lập ra Câu khảo cục để tỉa bớt vây cánh của y, rồi thu binh quyền, đem y về Hoa lâm ngồi chơi. Mông Ca đem quân nghiêng nước vào đánh Trung nguyên, chính y thân chinh đánh Tứ xuyên, còn mặt trận phía Đông y trao cho Tháp Sát Nhi. Vì bị ta đánh bại, nên Tháp Sát Nhi bị Mông Ca cách chức trao cho mặt trận phía Bắc. Bất đắc dĩ Mông Ca phải gọi Hốt Tất Liệt ra thay thế.
Ông ngừng lại cho mọi người theo kịp, rồi tiếp:
– Đúng ra Mông Ca là con cả của Đà Lôi chết, thì con thứ là Hốt Tất Liệt sẽ lên thay. Đây Mông Ca để di chiếu cho em thứ ba là A Lý Bất Ca thay, thì đời nào Hốt Tất Liệt chịu ngồi yên? Y phải đem quân về tranh ngôi với A Lý Bất Ca. Chính vì vậy y buông mặt trận Ngạc châu, đem quân về Bắc. Cho nên mới hôm trước y nằng nặc đòi giữ 11 châu, 144 thành; mà hôm sau y đổi thái độ. Mông Cổ đang có nội chiến. Tại sao ta không nhân dịp này quét chúng khỏi Trung nguyên? Vương Kiên có lý khi muốn xuất binh đánh ra Hàm dương. Ta cũng nhân dịp này đánh thốc lên Bắc phục hồi cố thổ!
Thế rồi văn võ bách quan cùng nhau tranh luận. Cuối cùng nhà vua ngả theo phe Giả Tự Đạo:
– Suốt bao năm qua, ta chịu binh ách khổ cùng cực. Kho lẫm, quốc khố trống rỗng. Binh tướng chết quá nhiều. Bây giờ Hốt Tất Liệt chịu trả đất, rút binh, là dịp bằng vàng. Ta tạm thời ngồi trông anh em Hốt Tất Liệt tranh dành. Cuộc nội chiến này ít ra phải 3 tới 5 năm. Hai cọp tranh thắng, cuối cùng một cọp chết, một cọp bị thương, trong khi ta huấn luyện, bổ xung quân khí, phục hồi kho lẫm. Bấy giờ ta quay lên tranh phong với chúng cũng chưa muộn.
Nhà vua ban chỉ:
– Triều đình ghi công Vương Kiên cùng tướng sĩ Tứ xuyên. Binh bộ hãy xét công lao, phủ tuất gia đình tướng sĩ vị quốc vong thân. Thăng thưởng cho tướng sĩ có công. Đối với Vũ Uy vương và binh tướng Đại Việt thì tùy nghi, nếu họ muốn ở lại giúp ta, ta điều hai hiệu binh thiện chiến này trấn tại Tương dương, Phàn thành. Nếu họ muốn rút về thì triều đình gửi sứ sang tạ ơn Quốc vương Đại Việt, xin thăng thưởng cho tướng sĩ Việt có công.
Văn Thiên Tường tâu:
– So với Đại Việt thì Tống là đại quốc. Binh tướng Đại Việt sang đây xả thân vì Tống, thì Tống nên xét công thăng thưởng cho họ. Họ có thể có chức tước của Đại Việt, nay thêm chức tước của Tống, họ càng thêm hãnh diện. Nhất là hiệu binh Thiệu Hưng, họ gồm các Hoa kiều tài trí ở Đại Việt. Họ bỏ đời sống an nhàn, về nước đánh Thát đát.
Triều đình cần phong chức tước cho họ. Lại sai sứ sang Đại Việt phong hàm cho cha mẹ của họ.
Nhà vua nhỏ nhẹ:
– Trẫm chuẩn lời tâu của Văn Thái phó. Vậy Binh bộ, Lễ bộ xét công tâu lên để thăng thưởng cho họ càng sớm càng tốt.
Nhà vua suy nghĩ một lát rồi tiếp:
– Trẫm nghe Vũ Uy vương, vương phi là những người có tài đại tướng, lại là những đấng bút mặc văn chương. Trẫm khẩn khoản kính mời vương, vương phi cùng các đại tướng Việt tới Lâm an, để triều đình tỏ lòng ngưỡng mộ. Không biết ai đi sứ được đây?
Phải mời cho được ba đại tướng có mỹ danh Dã Tượng, Yết Kiêu, Đại Đởm Nguyễn Thiên Sanh.
Xin cảm ơn bạn đã đọc hết bài
Leave a Comment