Sách Cô Gái Mất Tích
Tác giả : Gillian Flynn
Tải sách Miễn Phí
Nội dung sách Cô Gái Mất Tích
Chương 1: Ngày của Nick Dunne
Ngày của Nick Dunne
Khi nghĩ đến vợ mình, tôi thường nghĩ tới cái đầu của cô ấy. Trước hết là dáng hình của nó. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, gáy cô ấy là hình ảnh đập vào mắt tôi trước tiên và các góc cạnh của nó có gì đó thật duyên dáng. Tựa như một hạt ngô bóng bẩy, cứng cáp hay một hóa thạch dưới lòng sông. Dưới thời Victoria, hình dáng như vậy sẽ được thán tụng là tuyệt đẹp. Các bạn hẳn có thể hình dung một cách dễ dàng.
Dù ở bất cứ nơi đâu, tôi đều nhận ra đầu cô ấy.
Và cả những gì đang diễn ra trong đó. Tôi cũng quan tâm tới suy nghĩ của cô ấy nữa. Bộ não, tất cả các nếp nhăn, và dòng chảy suy nghĩ lan chạy qua những nếp nhăn đó, chằng chịt như chân rết. Giống như một đứa trẻ, tôi mường tượng rằng mình đang hé mở hộp sọ của vợ, gỡ bộ não ra và nghiên cứu nó, cố gắng để bắt kịp và tóm chặt lấy những suy nghĩ của cô ấy. Em đang nghĩ gì vậy, Amy? Đó là câu hỏi mà tôi vẫn thường đặt ra trong suốt cuộc hôn nhân của mình, một cách âm thầm và không phải dành cho người có thể trả lời được. Đối với tôi, cuộc hôn nhân nào cũng bị phủ bóng bởi những câu hỏi tựa như: Em đang nghĩ gì vậy? Em cảm thấy thế nào? Em là ai? Chúng ta đã đối xử với nhau thế này sao? Rồi chúng ta sẽ phải làm gì đây?
Mắt tôi bật mở vào đúng sáu giờ sáng. Hai bờ mi không hề hấp háy, dù chỉ là chớp nhẹ theo ý thức. Sự thức tỉnh đó như thể một cái máy. Thứ âm thanh khô khốc đầy ma quái khi đôi mắt của một con rối bật mở: không gian đen đặc và rồi, màn trình diễn bắt đầu! Mặt đồng hồ báo 6:0:0 – thứ đập vào ngay trước mắt tôi. 6:0:0. Quả thực là khác biệt. Tôi hiếm khi tỉnh dậy vào giờ đúng mà thường là giờ lẻ như: 8:43, 11:51, 9:26. Cuộc sống của tôi không cần phải được báo thức.
Vào thời điểm chính xác, 6:0:0 đó, mặt trời bắt đầu le lói sau rặng cây sồi, hé lộ toàn bộ gương mặt mùa hè cáu kỉnh của Chúa trời. Ánh nắng phản chiếu lấp loáng trên mặt khúc sông đối diện ngôi nhà, như thể một ngón tay dài khó chịu đang xỉa xói qua tấm màn gió mỏng manh trong phòng ngủ để chỉ đích danh tôi. Rồi buộc tội: Ngươi đã bị phát hiện. Ngươi sẽ bị theo dõi.
Tôi vùi mình trên giường, chiếc giường New York trong ngôi nhà mới của chúng tôi. Gọi là nhà mới nhưng chúng tôi đã dọn đến đây được hai năm rồi. Nó là một ngôi nhà thuê nằm bên bờ sông Mississippi, thuộc khu ngoại ô dành cho những kẻ mới lên đời giàu có, một nơi mà tôi hằng ước ao được chuyển tới ở từ khi còn là một đứa trẻ sống trong khu nhà xây lệch tầng bình dân. Kiểu nhà vốn dĩ khá quen thuộc: nhìn chung rất rộng rãi, không đặc sắc, và là một ngôi nhà mới, mới tinh tươm, điều mà vợ tôi sẽ luôn – và tuyệt đối − ghét cay ghét đắng.
“Liệu em có nên rũ bỏ linh hồn mình trước khi bước vào trong không nhỉ?” Đó là lời đầu tiên cô ấy thốt lên khi dọn đến đây. Chúng tôi đã phải thỏa hiệp: Amy muốn chúng tôi chỉ thuê, chứ không mua căn nhà trong thị trấn Missouri nhỏ bé này, với hy vọng chắc chắn rằng chúng tôi sẽ không bị kẹt ở đây quá lâu. Nhưng những ngôi nhà cho thuê lại chỉ tập trung trong khu vực chưa hề được phát triển đó: một thị trấn bé nhỏ heo hút, gồm những căn biệt thự thuộc sở hữu của ngân hàng với mức giá khá thấp do tình trạng suy thoái kinh tế, một khu vực vốn dĩ đã phải đóng cửa trước khi nó được mở rộng thêm. Đó là một sự thỏa hiệp, nhưng Amy lại không nhìn sự việc theo hướng đó, không một chút nào. Đối với Amy, đấy là ý muốn điên rồ của tôi, một sự trả đũa khó chịu và ích kỷ. Tôi đã lôi kéo cô ấy, một cách lỗ mãng, tới một thị trấn mà cô ấy đã kịch liệt phản đối, và buộc phải sống trong căn nhà mà lúc nào cô ấy cũng mỉa mai. Theo tôi, đó không còn là thỏa hiệp nữa khi mà chỉ có một trong hai người nhìn nhận sự việc theo cách ấy, nhưng những thỏa hiệp của chúng tôi dường như lúc nào cũng đi theo chiều hướng như vậy. Một trong hai người luôn luôn phải khó chịu. Và thường thì đó là Amy.
Đừng đổ lỗi cho anh vì nỗi phiền muộn riêng có này, Amy ạ. Nỗi phiền muộn mang tên Missouri. Hãy đổ lỗi cho nền kinh tế, cho những gì không may mắn, cho bố mẹ em, cho Internet và những kẻ đã sử dụng Internet nữa. Tôi đã từng là một nhà báo chuyên viết bài về truyền hình, phim ảnh và các cuốn sách. Trở lại thời khi mọi người còn đọc những thứ in trên giấy, thời mọi người còn quan tâm đến những ý kiến của tôi. Tôi đến New York vào những năm cuối thập niên 90, giai đoạn hấp hối của thời kỳ hoàng kim, mặc dù khi đó chưa có ai nhận thức được điều này. New York là nơi tập trung của các nhà báo, những cây bút thực thụ bởi ở đây có rất nhiều tạp chí, những tạp chí thực sự. Internet thời ấy mới chỉ là một con thú nuôi mới lạ bị giữ chân trong một xó xỉnh của thế giới xuất bản phẩm – ném cho nó một ít thức ăn công nghiệp rồi ngắm nhìn nó nhảy múa với sợi dây xích mới thật dễ thương làm sao – làm gì có chuyện trong đêm tối nó lại có thể giết ta được. Hãy nghĩ mà xem: đó là thời kỳ mà những sinh viên vừa tốt nghiệp đến New York và được trả thù lao để viết bài. Chúng tôi không mảy may ngờ rằng mình đang đâm đầu vào một nghiệp sẽ biến mất chỉ trong vòng một thập kỷ nữa.
Tôi đã có được công việc đó và cũng mất việc trong vòng mười một năm, quả thực là ngắn ngủi. Khắp cả nước, các tạp chí bắt đầu khốn đốn, không thể chống chịu được trước căn bệnh truyền nhiễm bất ngờ do sự đổ vỡ của nền kinh tế đưa lại. Những người cầm bút (theo quan niệm của tôi là những nhà văn có khát khao, những nhà tư tưởng, những người mà bộ não của họ không hoạt động đủ nhanh để viết blog, để nối kết hay đưa tin trên trang mạng xã hội, mà chỉ là những kẻ kiêu ngạo lỗi thời và cứng đầu) coi như xong. Chúng tôi giống như những người thợ làm mũ cho phụ nữ hay những nhà sản xuất roi da: Thời đại của chúng tôi đã chấm hết. Ba tuần sau khi tôi bị liệt vào diện cắt giảm, Amy cũng mất việc, thế đấy.(Lúc này tôi có thể cảm thấy Amy đang nhìn qua vai tôi, cười nhạt khi tôi kể lể về sự nghiệp, nỗi bất hạnh của mình và gói gọn sự kinh qua của cô ấy chỉ trong một câu nói. Cô ấy sẽ nói với bạn một câu nói đặc trưng. Nick ấy mà, cô ấy sẽ nói vậy. Nó đã trở thành điệp khúc của cô ấy rồi: Nick ấy mà… và dù có nói gì tiếp sau đó đi nữa, dù gì thì cũng là tôi ấy mà, dốt tệ.) Hai kẻ trưởng thành không công ăn việc làm, dành hàng tuần liền lang thang khắp khu phố nhà giàu Brooklyn của chúng tôi trong bộ đồ ngủ và đôi bít tất, mặc kệ tương lai, vứt bừa bãi trên mặt bàn và sofa những bức thư còn chưa mở, ăn kem lúc mười giờ sáng và vùi mình trong những giấc ngủ trưa thật dài.
Rồi một hôm điện thoại đổ chuông. Đứa em gái song sinh của tôi ở bên kia đầu dây. Margo đã dọn từ New York về nhà sau khi bị tinh giản một năm trước đó – con bé lúc nào cũng đi trước tôi một bước, ngay cả với cái vận rủi chết tiệt này. Margo gọi từ ngôi nhà thân yêu ở Bắc Carthage, Missouri, nơi chúng tôi đã lớn lên. Và khi nghe giọng nói của con bé, tôi như nhìn thấy hình ảnh của nó lúc mười tuổi, với mái tóc đen nhánh và mặc chiếc quần soóc yếm đang ngồi trên cầu tàu phía sau nhà ông bà tôi, rũ rượi như một cái gối cũ nhàu, đôi chân gầy nhẳng đang đung đưa khỏa nước, mắt ngắm nhìn dòng chảy của con sông lùa qua đôi bàn chân nhỏ xinh như con cá trắng của mình một cách chăm chú và vô cùng bình thản, dù mới chỉ là một đứa trẻ.
Giọng nói của Margo ấm áp và dịu dàng ngay cả khi con bé thông báo tin buồn: Người mẹ kiên cường của chúng tôi đang hấp hối. Cha chúng tôi gần như đã ra đi – tư duy (hay công kích) và trái tim (khốn khổ) của ông đã trở nên mệt mỏi khi dần bước sang thế giới bên kia. Nhưng có vẻ như mẹ chúng tôi sẽ đánh bại ông ở đó.Khoảng sáu tháng, có lẽ là một năm, bà đã thành công. Tôi biết Margo đã tự mình đến gặp bác sĩ, thận trọng ghi lại những điều cần lưu ý qua những dòng chữ nguệch ngoạc của mình, và rồi rơm rớm nước mắt khi cố đọc lại những gì mình đã viết.Ngày giờ và liều lượng.
“Chết tiệt, em không hiểu gì đây nữa, số chín chăng? Mà chẳng thấy có nghĩa nữa cơ chứ?” Con bé thốt lên khiến dòng suy nghĩ của tôi bị ngắt quãng. Đây là một nhiệm vụ, một ý định nằm gọn trong lòng bàn tay em gái tôi như một quả mận. Tôi gần như đã khóc một cách khuây khỏa.
Xin cảm ơn bạn đã đọc hết bài
Leave a Comment