Tải sách Đứa Con Muộn Màng PDF/Ebook/Epub/Mobi
Tác giả : Anatoli Alecxin
Tải sách Miễn Phí
Nội dung sách Đứa Con Muộn Màng
Cả nhà đã đợi tôi những 16 năm ròng…
Làm một đứa con muộn màng, kể đáng sợ thật. Gì chứ chuyện ấy thì tôi biết rõ lắm! Những đứa con sớm sủa, chúng ra đời thật chóng vánh và tự nhiên. Cứ như thể điểm tốt, điểm xấu cứ xuất hiện trong sổ liên lạc vậy, khi ngày ngày anh vẫn cắp sách đến trường. Còn những đứa con muộn màng thì đứa nào cũng bắt người lớn phải mong chờ hết năm này sang tháng khác. Rồi đến khi rốt cuộc, chúng ra đời, thì cả nhà liền hùa nhau lại mà yêu thương, mà nâng niu, mà chăm bẵm, ghê gớm đến mức khiến chúng chỉ còn muốn bỏ chạy đến tận cùng thế giới, nếu như không còn tìm được chỗ nào xa hơn nữa.
Hết bố rồi lại mẹ cứ thi nhau nhẵc đi nhắc lại với nó rằng: “Khiếp, bố mẹ chờ con đến mỏi cả mắt. Thật đúng là mong ngày mong đêm”. Họ làm như thể thằng bé chỉ nấn ná ở đâu đó trong rạp chiếu bóng hay còn đang mải là cà ngoài đường.
Thì tôi đây chứ ai, tôi cũng chính là một đứa con muộn màng. Bố mẹ tôi, ngay từ đầu, đã muốn sinh một mụn con trai. Nhưng rốt cuộc lại sinh ra Liudmila, chị gái tôi… Từ đó, cả ba người – thêm chị Liudmila nữa- lúc nào cũng mong ngóng chờ ngày tôi cất liếng khóc chào đời. Ấy thế mà mãi mười sáu năm sau, ước mơ ấy mới hoá thành hiện thực. Kể có hơi muộn màng thật. Nhưng tôi còn biết làm thế nào khác được ?
Tôi cũng chẳng nhớ là vào năm lên mấy thì tôi bắt đầu hiểu được cuộc sống quanh mình. Nhưng kể từ độ hiểu ra được thì bên tai tôi hầu như không lúc nào không vang lên cái câu: ”Con đúng là một món quà bất ngờ mà. Con là một tặng phẩm quí giá”. Bây giờ, những câu ấy thường khiến bố mẹ tôi ngượng ngiụ. Chắc hẳn hồi xưa, bố mẹ cũng chẳng nói ra chính những lời ấy đâu. Nhưng những câu đại để như thế thì quả có nói… Và tôi nghiễm nhiên hoá thành một thứ tặng vật quí, y như một chiếc tách kiểu, trang nhã, đặt trong tủ kính, nhưng chẳng bao giờ được đem ra dùng cả.
Tôi được cả nhà nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Dĩ nhiên là mỗi người một kiểu, vì cả bố lẫn mẹ, cũng như chị Liudmila chúng tôi, mỗi người đều có một cốt cách riêng.
Chẳng hạn, nếu tôi định đi trượt băng một bữa, thì cả ba đều lập tức can ngăn. Nhưng cách can ngăn thì mỗi người một kiểu.
Lên tiếng đầu tiên dĩ nhiên là bố. Bố vốn rất lớn con. Hệt như ông Hemingway mà chị Liudmila chúng tôi treo trên bàn làm việc của chị ấy vậy. Chỉ mỗi bộ râu là không có. Chứ còn mái tóc bạc phơ và những nếp nhăn chằng chịt thì chẳng ai chịu kém ai hết.
Bố đã phải nếm đủ mùi khổ cực trong đời, nên chỉ muốn tôi được hưởng hoàn toàn nhứng điều dễ chịu… Bố thì dĩ nhiên là không đời nào lại từ chối thẳng. Bao giờ bố cũng đem đến cho tôi toàn những điều dễ chịu mà. Ngay cả lúc cấm đoán nữa.
– Qua bao đồi cao, bao lũng thấp…- bố cất tiếng hát oang oang, hẳn dưới sân kia cũng nghe rất rõ: gipngj bố vừa to, vừa vang xa. Bố rất thích lẩy những câu ca, khi ở đoạn này, khi ở đoạn nọ, trong các ca kịch hoặc bài hát cổ. Không phải lẩy thơ, cũng chẳng phải trích ca dao hay tục ngữ. Mà toàn là lời các ca kịch hoặc bài hát cổ, -“ đẩy nhịp đời trôi mau, trôi mau…”
Bao giờ bố cũng phải hát một câu gì đó hợp với chuyện đang bàn. Những lúc như thế, tôi cảm thấy bố phải ngẫm nghĩ rất ghê: vừa để tìm cho ra cái câu thích hợp, vừa không làm tôi buồn rầu, mà trái lại còn khiến lòng tôi được thư thái nữa. VÌ căng thẳng mặt bố đỏ bừng. Săc đỏ ấy lan dần ra hai tia, rồi chạy mãi xuống tận dưới cổ. Mái tóc bạc càng khiến cái săc đỏ kia thêm nổi bật.
Bố nói cũng to, như thể đang trình diễn trên sân khấu vậy:
– Chà, thế mà bố lại tính rủ con mai đi xem chiếu bóng kia đấy. Chắc con cũng muốn như bố thì phải.
Tôi bằng lòng ngay. Mặc dù tôi khoái đi trượt băng hơn. Tôi không định cãi lại bố. Vì có ích gì đâu: làm một đứa con muộn màng kia mà, phải để cho người ta nâng niu, gìn giữ chứ.
– “Muốn gì thì con sứ tha hồ chọn, con của ta ơi”- bố hát bằng cái giọng oang oang của Konchak, vua Mông cổ, trong vở “ Hoàng tử Igor”. Nhiều khi, bố thay đi một vài chữ trong những khúc aria hoặc những bài hát cổ, cho hợp với chuyện đang bàn. – Con cứ tha hồ mà chọn, con trai của ta ạ. Nhưng nếu con thích đi xem chiếu bóng thì bố hoan hỉ lắm lắm.
Rồi bố cứ hoan hỉ như thế một hồi lâu nữa. Đến nỗi ở mãi dưới đường kia, người qua kẻ lại ai cũng nghe rõ mồn một.
Thực ra, chẳng riêng gì bố, mà cả nhà tôi, trừ mẹ ra, ai cũng nói rất to: chả là mẹ hơi bị nặng tai. Mẹ mắc phải cái tật ấy từ độ sinh tôi. Nghĩa là, những đứa con muộn màng, vốn bắt gia đình phải khắc khoải mong chờ, thường chẳng phải chỉ mang lại có niềm vui không thôi. Cả nhà cứ giấu mãi tôi cái chuyện vì sinh tôi mà mẹ mắc phải cái tật ấy. Để khỏi làm tôi buồn tủi. Nhưng ai chứ tôi thì tôi biết. Có lần, tôi nghe một bà bác sĩ bảo mẹ: “Hậu quả của việc sinh nở đấy. Chắc rồi cũng qua khỏi thôi”. Chậc, giá tôi đừng sinh ra có phải tốt hơn không?
Còn bản thân mẹ thì lại nói năng rất khẽ. Đôi khi mẹ cũng lớn tiếng nói đùa, nhưng trên môi vẫn thấp thoáng một nụ cười buồn buồn. Dù ở nhà có gặp bất cứ chuyện gì, mẹ bao giờ cũng cho là phúc đức. Trong thâm tâm nẹ có nghĩ như thế thật không thì hoạ có trời biết.
– Thật phúc đức- mẹ nói, – là tôi lại bỏ ngoài tai không biết bao nhiêu là chuyện: thì xưa nay, thiên hạ vẫn nói vớ vẩn này nọ đủ thứ đấy thôi.
Hễ động nói gì, bao giờ mẹ cũng dùng cái câu “Thật phúc đức…”.
– Thật phúc đức cho mẹ là con trai mẹ lại thích trượt băng. Nghĩa là con không sợ chứ gì.
– Nhưng chỉ một lúc sau, thế nào mẹ cũng tìm ngay được một cái cớ, cho thấy rằng tốt nhất là tôi cứ nên ở nhà: đã làm đứa con muộn màng thì nhất định phải được mọi người giữ gìn cẩn thận thôi chứ biết làm sao.
Tiếp đến là chị Liudmila… chị là kiến trúc sư, hay: chuyên viên bậc thầy về các đường nét phân minh:- như bố quen gọi. Có ffiều, chẳng cứ gì đường nét: ngau cả cách ăn nói, chị Liudmila cũng lại là chuyên gia của sự phân minh và thẳng nốt. Chị chẳng cần phải tráo đổi câu chữ gì trong các khúc aria hết. Chị nói thẳng tuột ra thế này:
– VÍ thử em mà tâph luyện thể thao thật nghiêm túc và thạo trượt băng, thì chị sẽ tán thành ngay đấy. Nếu không, chị không thể.
Nhưng ví thử tôi mà học trượt băng thật tử tế, như một kện tướng thể thao hay một nhà vô địch chẳng hạn, thì cả nhà vẫn cứ tìm ngay được một cái cớ để giữ tôi ở lại nhà. Đó là cái chắc.
Hễ trong gia đình mà gặp chuyện lôi thôi, rắc rối gì, thì tuy chẳng ai bảo ai, nhưng cả nhà đều cố ỉm đi ngay, không cho tôi biết. Đến khi tôi hay được thì cả ba liền nói lấp đi: “Con còn bé dại lắm. Chuyện ấy con hiểu thế nào được!”. Cả nhà đã trông đợi thằng bé ấy và rất lấy làm thích thú khi sinh được nó. Còn tôi, chắc tôi cũng thích thú y hệt cả nhà, nếu đứa bé ấy là ai khác chứ không phải là tôi.
Nghe trộm là chuyện tôi chúa ghét. Nên chẳng bao giờ tôi thèm làm. Nhưng nếu gia đình mà vướng phải một chuyện không may, lại muốn giấu tôi, trong khi thực ra, nếu được biết, tôi vẫn có thể giúp ích được ít nhiều, thì thế nào tôi cũng giỏng tai lên nghe trộm. Hơn nữa, nói dỏng tai là nói cho vui thôi, chứ thực ra chuyện bí mật nào bố cũng toàn nói oang oang lên hết. Thành thử, dù muốn hay không, tôi cũng mặc nhiên nghe thấy.
CÓ lần, tôi nghe được câu chuyện thế này. Dĩ nhiên là chyện bí mật rồi… Câu nói của mẹ không đến được tai tôi. Nhưng đáp lại, bố liền hát lên một câu trong Evghênhi Onêghin.
– Thói quen trời phú cho ta…
Tôi không sành nhạc mấy để đoán biết câu ấy trích ra từ trong vở ca kịch nào. Nhưng cả đến những danh ca lỗi lạc nhất cũng vốn có một số tiết mục “tủ”, mà chỉ cần nhắc đến tên họ, ta cũng có thể biết được ngay là họ sắp trinh diễn bài gì.
– Thói quen trời phú cho ta…- bố nhắc lại. Rồi tiếp thêm: – Sau ngần ấy năm ử? Sang làm việc khác à? Không, anh chịu thôi.
Ngay sau đó, mẹ lại nói một câu gì tôi không nghe rõ. Rồi bố lại hát vang, nhưng lần này thì trích từ bản Giao hưởng số Chín của Beethoven. Bản giao hưởng này lạ lắm: đoạn kết lại có thêm cả một khúc đồng ca của một dàn hợp xướng!
– Anh em ta ơ- ơ- ơi, sầu muộn thế đủ rồi,- bố hát to. Và thêm ngay vào đằng sau một câu nói bình thường, như ai nấy vẫn nói năng hàng ngày. – Hai trăm hai mươi trên một trăm, thế đâu đã là hết phương cứu chữa!
Xin cảm ơn bạn đã đọc hết bài
Leave a Comment